CÁCH LÀM GỎI SỨA GIÒN NGON ĐÚNG CHUẨN HƯƠNG VỊ MIỀN TRUNG

Mùa sứa thường có vào khoảng tháng 3 đến tháng 7 âm lịch, chính vì vậy không phải lúc nào bạn cũng sẽ được thưởng thức món này. Sứa biển thường được dùng để chế biến thành nhiều món ăn ngon như bún, gỏi, canh… với hương vị thơm ngon, hấp dẫn.
 

Đôi nét về món gỏi sứa chuẩn miền Trung

Hiện nay món gỏi sứa là một món ăn ngon được nhiều người yêu thích. Sứa giòn ngon ăn kèm với các loại rau thơm hoặc xoài xanh chua chua ngọt ngọt vô cùng hấp dẫn. Bạn cũng có thể thưởng thức món gỏi sứa với cơm, hương vị rất ngon đó. Sau đây đầu bếp của Nhà Hàng Queen Hải Hòa thuộc chuỗi khách sạn Queen Hải Hoà sẽ giới thiệu đến bạn công thức làm gỏi sứa đúng chuẩn hương vị miền Trung đơn giản ngay tại nhà.
 

Nguyên liệu cần chuẩn bị:

Sứa: 300 gram
Dưa chuột: 3 quả
Cà rốt: 1 quả
Kinh giới, rau mùi: 1 mớ
Lạc rang giã sơ: 100 gram
Đường, nước mắm, dấm, sốt chua ngọt
Tỏi: 1/4 củ

Các bước làm gỏi sứa:

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Rửa sứa thật sạch để loại bỏ hết chất độc bên trong, bước này rất quan trọng các bạn phải hết sức chú ý. Tiếp theo, bạn cắt sứa thành miếng nhỏ và ngâm trong nước muối, phèn pha loãng. Sau đó lại rửa sạch, tiếp tục ngâm, thực hiện như vậy khoảng 3-4 lần. Đây là cách sơ chế sứa đơn giản giúp sứa ngon, giữ được độ giòn và không bị teo tóp. Sau cùng bạn cắt sứa thành miếng nhỏ vừa ăn rồi rửa lại bằng nước ấm. Để đảm bảo loại bỏ mùi tanh bạn có thể bỏ thêm vài lát gừng vào nước rửa sứa.
Rau thơm nhặt và rửa sạch sau đó ngâm nước muối khoảng 10 phút, rửa lại bằng nước sạch, vớt rau lên rổ để ráo.
Cà rốt và dưa chuột gọt vỏ rồi bào sợi nhỏ vừa ăn. Sau đó mang ngâm nước muối pha loãng khoảng 10-15 phút rồi vớt ra vắt nhẹ cho bớt nước (vắt bớt nước để khi trộn gỏi các nguyên liệu sẽ tươi màu và giòn hơn).
 

Bước 2: Làm nước trộn gỏi

Nước trộn gỏi được coi như là linh hồn của món ăn vậy. Nước trộn gỏi phải thật chuẩn thì món gỏi mới thành công.
Bạn pha nước trộn gỏi theo công thức sau: đường, nước mắm và dấm theo tỷ lệ: 3:2:1. Cho thêm 2 thìa sốt chua ngọt rồi bắc lên bếp, để lửa nhỏ khuấy đều. Khi nước sốt nguội, bạn cho thêm tỏi băm nhỏ vào rồi khuấy đều. Bạn có thể nêm lại độ chua, ngọt, cay, mặn cho vừa miệng.
 

Bước 3: Trộn gỏi

Cho cà rốt và dưa chuột vào trộn cùng với nước sốt. Đoạn này bạn nên cho nước sốt từ từ, nêm nếm thấy vừa ăn thì dừng lại. Sau đó, cho sứa vào rồi trộn thật đều hỗn hợp lên. Rắc thêm rau thơm đã thái nhỏ, lạc rang đã giã sơ vào là bạn có ngay đĩa gỏi sứa giòn ngon rồi đấy.
Người miền Trung thường ăn kèm món gỏi sứa với bánh tráng. Loại bánh tráng làm bằng gạo nguyên chất có thêm chút mè giòn ngon.

Một số lưu ý khi làm gỏi sứa tại nhà

  • Theo Đông y, sứa có rất nhiều tác dụng như: nhuận gan, bổ phổi, tiêu đờm, nhuận tràng, thanh nhiệt tốt cho cơ thể.
  • Tuy nhiên, sứa được cảnh báo là loại có chứa nhiều độc tố. Nên bạn phải sơ chế sứa thật sạch. Nếu bạn ăn phải sứa chưa được sơ chế sạch, những độc tố này sẽ ngấm vào người khiến bạn bị đau đầu, đau bụng, chảy nước mắt, nổi mày đay toàn thân, vã mồ hôi hoặc khó thở hôn mê… Do đó, các chuyên gia luôn khuyên người dùng nên dùng sứa được bán tại quầy thực phẩm siêu thị đã được sơ chế sẵn.
  • Chỉ nên dùng sứa để trộn gỏi khi thấy thịt sứa chuyển sang màu vàng nhạt hoặc đỏ nhạt.
  • Khi làm món gỏi sứa, bạn có thể thêm một vài nguyên liệu khác như tôm tươi, chuối xanh, khế, xoài… để tăng hương vị thơm ngon cho món ăn.
Trên đây là cách chế biến ra món gỏi sứa đúng chuẩn hương vị miền Trung mà đầu bếp nhà hàng Queen Hải Hòa muốn giới thiệu đến bạn. Chúc bạn và gia đình có một món ăn thật ngon miệng!