Từ thành phố Thanh Hóa, ngược lên phía Tây Bắc chừng 50 km, dưới những tán rừng xanh um của xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa du khách sẽ được chiêm bái một quần thể di tích nổi tiếng gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của vua Lê Thái Tổ và cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn hồi thế kỉ XV.
Sau 10 năm lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc phương Bắc giành thắng lợi, năm 1428 Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Lê Thái Tổ, đóng đô ở Đông Kinh (Thăng Long). Đồng thời cho xây dựng ở quê hương đất tổ nơi vùng rừng núi hẻo lánh Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hóa một kinh thành gọi là Lam Kinh hay còn gọi là Tây Kinh (phân biệt với Đông Kinh).
Theo sử sách và bằng chứng từ các cuộc khai quật cho thấy, thành Lam Kinh được xây dựng khá quy mô với lối kiến trúc “nội công, ngoại quốc” gồm hoàng thành, thái miếu, ngọ môn, sân rồng, nhà tả vu, hữu vu… Thành Lam Kinh phía Bắc tựa vào núi Dầu, phía Nam hướng về sông Chu, trước có núi Chúa làm tiền án, bên tả có rừng Phú Lâm, bên hữu có núi Hương. Nơi đây có nhiều công trình xây dựng khá nguy nga, tráng lệ như ngọ môn, thái miếu, sân rồng, chính điện
Trải qua hơn 5 thế kỉ, hầu hết các công trình ở Lam Kinh đã trở thành phế tích, chỉ còn lại 4 công trình lăng mộ của các vị vua nhà Lê và một khu lăng mộ bà hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao (mẹ vua Lê Thánh Tông).
Năm 1962, Khu di tích lịch sử Lam Kinh đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Đến năm 1994, Nhà nước phê duyệt dự án phục hồi tôn tạo khoảng 50 hạng mục công trình, trong đó có những công trình lớn như: hệ thống la thành, sông Ngọc, Tây hồ, giếng cổ, ngọ môn, sân rồng, sân chầu, các tòa thái miếu, chánh điện, các khu lăng mộ… Hiện nay, đây là một trong những địa chỉ du lịch nổi tiếng của xứ Thanh.
Để vào khu trung tâm hoàng thành Lam Kinh, du khách leo qua một chiếc cầu đá có dáng cong cong bắc qua dòng sông Ngọc nước xanh biêng biếc. Qua cầu độ 50m, du khách sẽ gặp một bãi cỏ xanh mượt, phía bên hữu có một cái giếng cổ, nước trong leo lẻo.
Đi tiếp sẽ đến cửa ngọ môn, bên trong cửa, phía bên tả có cây đa cổ thụ hơn 300 tuổi xòe bóng trùm kín lên nóc ngọ môn. Tiếp đến là sân rồng, hai bên có rừng cây xanh mát. Đi qua sân rồng là tới khu chánh điện. Đây là nơi vua thiết triều và nghị bàn việc nước. Chánh điện là ba tòa nhà lớn làm bằng gỗ, được đánh giá là có giá trị đặc biệt quan trọng về mặt nghệ thuật kiến trúc thời Lê Sơ. Tuy nhiên, công trình này đã trở thành phế tích và hiện đang trong quá trình tôn tạo, phục dựng. Phía sau chánh điện là 9 tòa thái miếu, nay đã được phục hồi thành công.
Từ khu trung tâm hoàng thành, men theo những con đường lát gạch đỏ như son tỏa ra khắp các hướng dưới tán rừng, du khách sẽ đến với những khu lăng mộ của các vị vua nhà Lê nằm nép mình dưới tán rừng thanh u, hoặc leo lên đỉnh núi Dầu lộng gió, hay ra ngắm cảnh Tây hồ hoang sơ mà kiều diễm Ngoài việc thưởng lãm cảnh đẹp và khám phá các giá trị văn hóa, kiến trúc, lịch sử, hàng năm, vào ngày 22 tháng 8 âm lịch, tức nhằm ngày giỗ vua Lê Thái Tổ, du khách lại có cơ hội về dự lễ hội Lam Kinh để được hòa mình vào không khí lễ hội của người dân vùng sơn cước xứ Thanh với nhiều trò vui dân gian truyền thống. Và đây cũng là dịp để tưởng nhớ lại công lao hiển hách của một vị vua nổi tiếng trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
XEM THÊM